Vietnam Airlines vừa phát thông tin đấu giá 11 máy bay Airbus A321 CEO sản xuất năm 2004, 2007, 2008. Ngoài ra, hãng còn muốn bán và thuê lại một động cơ dự phòng PW1133G-JM kèm QEC mới (bộ thay động cơ nhanh), dự kiến giao tháng 7-2021.
Theo Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), việc bán máy bay trên là một phần nằm trong kế hoạch thay thế dần các máy bay trên 12 năm tuổi của hãng đến năm 2025. Nguồn tiền thu về từ việc bán máy bay sẽ giúp hãng có thêm dòng tiền trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh.
"Đây là một phần trong kế hoạch dài hạn của hãng nhằm tái cơ cấu đội máy bay. Hoạt động này đã được thông qua tại họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020" - đại diện Vietnam Airlines thông tin.
Trước đó, Vietnam Airlines cũng từng lên kế hoạch bán 6 máy bay A321 CEO sản xuất năm 2007.
Tính đến cuối năm 2020, Vietnam Airlines sở hữu 46 máy bay gồm 1 máy bay TurboProp ATR72-500; 38 máy bay thân hẹp A321CEO; 7 máy bay thân rộng B787-9. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn thuê 61 máy bay gồm 6 máy bay TurboProp ATR72-500; 33 máy bay A321CEO và 14 máy bay A350-900; 4 máy bay B787-9 và 4 máy bay B787-10.
Theo báo cáo tài chính quý 1-2021, doanh thu của Vietnam Airlines tiếp tục giảm hơn một nửa còn 7.528 tỉ đồng, lợi nhuận gộp từ bán hàng cung cấp dịch vụ âm 3.869 tỉ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 632 tỉ đồng trong quý 1-2020.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm, lỗ trong các công ty liên kết tăng mạnh đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm gấp đôi so với cùng kỳ 2020, 4.900 tỉ đồng. Lũy kế, Vietnam Airlines lỗ 14.218 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ con số 6.072 tỉ đồng còn 1.030 tỉ đồng tính đến cuối quý 1.
Nợ phải trả của hãng là 59.580 tỉ đồng, gấp 58 lần vốn chủ sở hữu, trong đó khoản vay nợ tài chính với tổng cộng hơn 34.000 tỉ đồng, chiếm 57% nợ phải trả.
Trước tình trạng thua lỗ nặng, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) vào diện cảnh báo từ 15-4. Theo giải trình của Vietnam Airlines, hãng đã đưa ra các giải pháp ứng phó cải thiện tình hình như: thu hẹp quy mô sản xuất, đàm phán với các chủ tàu thuê, các nhà cung cấp để giảm giá và giãn, hoãn tiến độ thanh toán, cắt giảm chi phí. Đồng thời, hãng cũng tăng cường sử dụng các khoản vay vốn ngân hàng để bù đắp thanh khoản...
Khác với những hãng hàng không khác có thể lấy mảng cho thuê máy bay hay đầu tư tài chính để bù cho khoản hụt từ mảng khai thác vận chuyển hành khách và hàng hóa, doanh thu chủ lực của Vietnam Airlines đến từ vận chuyển hành khách và hàng hóa. Mảng cho thuê máy bay không ghi nhận doanh thu.
CÔNG TRUNG - TUOITRE